Cô Tô - Thiên đường du lịch biển, đảo vùng Đông Bắc

Đảo Cô Tô

Du lich co to

Khách sạn cô tô

Tour du lịch cô tô

Nhà hàng Cô Tô

Khach san co to

Du lịch cô tô quảng ninh

Du lịch đảo Thanh Lân Cô Tô

Du lịch biển

Nhà hàng hải sản Cô Tô

Điểm di tích Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh  en (English)

 

Điểm di tích Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ai đã từng đặt chân đến Cô Tô, đã từng đứng trước Tượng đài Bác đều trào dâng xúc động, tràn đầy lòng kính yêu, niềm tự hào vô hạn. Bởi lẽ, Cô Tô là nơi đầu tiên và cũng là nơi duy nhất được Bác Hồ cho phép dựng Tượng của mình lúc sinh thời.

Tháng 1/1962, Bác trở lại thăm Vùng mỏ, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hải Ninh đứng đầu là đồng chí Hoàng Chính - Bí thư Tỉnh ủy đã thưa với Bác nguyện vọng của nhân dân là muốn được dựng bức tượng của Bác trên đảo Cô Tô để ngày ngày đồng bào được nhìn thấy Bác, được gần gũi Bác. Bác đã đáp ứng nguyện vọng đó của đồng bào, đồng ý cho tỉnh Hải Ninh được dựng tượng Người trên đảo Cô Tô.

Được sự cho phép của Bác, Ủy ban hành chính tỉnh Quảng Ninh quyết định xây dựng tượng đài và Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô. Giao cho Ty Văn hóa - Thông tin là đơn vị chủ quản phối hợp với Ty Kiến trúc và Ủy ban hành chính huyện Cẩm Phả (nay là huyện Vân Đồn), Ủy ban hành chính xã Cô Tô phát động quần chúng xây dựng. Tuy nhiên do giai đoạn 1964 - 1968, đế quốc Mỹ tăng cường chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân, Vùng mỏ Quảng Ninh là một trong những trọng điểm bắn phá của chúng nên chủ trương dựng tượng đài và Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô chưa thể thực hiện ngay được.

Đến năm 1968, các hạng mục công trình bắt đầu được tiến hành thi công. Ông Nguyễn Văn Quế cán bộ Phòng Văn nghệ (Ty Văn hóa) được giao thiết kế tượng Bác. Ông Nguyễn Văn Quế cùng với hai ông Nguyễn Đức Nựu cán bộ Phòng Văn nghệ (Ty Văn hóa) và Lê Văn Minh cán bộ Xưởng Mỹ thuật (thuộc Công ty Mỹ thuật - Mỹ nghệ Quảng Ninh) là những người được giao trách nhiệm trực tiếp thi công tượng Bác.

Thời kỳ các nhà điêu khắc làm tượng Bác Hồ, cũng là giai đoạn đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc rất ác liệt. Vì vậy, phải thực hiện công việc làm khung - cốt, làm khuôn ngoài của tượng tại nơi sơ tán tại thôn Đồng Dinh, xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ (nay là Hạ Long). Khung - cốt tượng được làm bằng đất sét; khuôn ngoài làm bằng thạch cao trộn tơ dây đay. Sau khi tạo khung - cốt, các nhà điêu khắc dùng thạch cao trộn tơ dây đay làm khuôn ngoài, khuôn ngoài được đổ thành từng mảng, mỗi mảng nặng chừng 20 - 30kg, mảng nào ít chi tiết thì đổ mảng to, mảng nào nhiều chi tiết phức tạp thì làm mảng nhỏ. Sau khi làm xong khuôn ngoài, thì chuyển khuôn xuống tàu chở ra đảo Cô Tô. Đến bãi biển Cô Tô, Bộ đội biên phòng đã chờ sẵn để chuyển khuôn lên bờ. Tượng được đổ trực tiếp cao 1,8m, cả bệ là 4m dựng sẵn trên bãi biển - tại vị trí Bác đứng nói chuyện với quân dân Cô Tô năm xưa. Tượng gồm 4 thớt, sau khi ghép các mảng khuôn thì đổ bê tông, đợi cho bê tông đông kết thì đổ thớt tiếp theo. Tượng năm 1968 tạc phần thân trên của Bác Hồ trong tư thế đang đứng trên bục nói chuyện với đồng bào Cô Tô. Bác mặc chiếc áo Kaki quen thuộc; nét mặt, ánh mắt hiền từ; dáng đứng uy nghi, tay trái bám nhẹ vào mép bục, tay phải giơ cao chào đồng bào, lòng bàn tay hướng về phía đồng bào, về phía biển ở trước mặt. Dáng đứng ấy, cánh tay dơ lên dứt khoát ấy là biểu hiện của lời chào thân ái và quyết thắng, là lòng tin Bác gửi tới biển, đảo, gửi tới cán bộ, chiến sỹ và đồng bào đang ngày đêm bám biển, bám đảo.

Đúng dịp sinh nhật lần thứ 78 của Bác (5/1968), đảo Cô Tô như mở hội, nhân dân các đảo kéo về đông vui với cờ hoa, biểu ngữ chào mừng ngày sinh nhật Bác, cũng là ngày khánh thành tượng Bác trên đảo Cô Tô. Ngày 22/5/1968, sau khi công trình hoàn thành, Ty Văn hóa Thông tin Quảng Ninh đã bàn giao cho xã Cô Tô, và huyện Cẩm Phả (nay là huyện Vân Đồn) đưa vào sử dụng, phát huy giá trị. Ủy ban hành chính xã Cô Tô (nay là Ủy ban nhân dân huyện Cô Tô) có trách nhiệm trực tiếp bảo vệ, giới thiệu phục vụ khách tới thăm quan.

Năm 1974, được sự đồng ý của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Ủy ban hành chính tỉnh Quảng Ninh quyết định đầu tư tôn tạo Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô, dựng tượng đài toàn thân Bác Hồ. Nhà điêu khắc Nguyễn Phước Sanh khi đó đang là Trưởng khoa điêu khắc trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (từ năm 1975 đến năm 1991 là Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh) là tác giả thiết kế tượng Bác lần này. Những người thi công là kiến trúc sư Vương Ngọc Báo và Mo Lo Kai xưởng Mỹ thuật quốc gia. Tượng thay thế tượng bán thân dựng năm 1968. Pho tượng bán thân của Bác được đưa vào trung tâm huyện Cẩm Phả (nay là huyện Vân Đồn) đặt tại sân Bảo tàng khu vực sân khấu ngoài trời. Các hạng mục công trình bắt đầu triển khai từ đầu năm 1975 và hoàn thành vào tháng 5/1976, đúng vào dịp kỷ niệm 15 năm Bác ra thăm đảo và 86 năm ngày sinh nhật của Người.

Năm 1995, kỷ niệm 20 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, 50 năm Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và tròn một năm thành lập huyện đảo Cô Tô, Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô được tôn tạo thành một địa chỉ văn hóa - lịch sử khang trang bậc nhất trên đảo. Tượng lần này do nhà điêu khắc Nguyễn Phước Sanh (lúc này đang là Giảng viên Đại học Mỹ thuật Hà Nội) sáng tác. Năm 1997, sau một thời gian tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng bê tông cốt thép ở ngoài trời không chịu được khí hậu biển với độ ẩm, độ mặn cao, nắng gắt nên đã bị xuống cấp, các cấp có thẩm quyền đã tiến hành nâng cấp tượng Bác bằng cách giữ nguyên mẫu nhưng chuyển thể chất liệu từ bê tông cốt thép sang chất liệu đá nguyên khối, tượng Bác Hồ cao 4,18m, đặt trên khối bệ cao 2,8m ốp đá granit. Pho tượng thể hiện Bác Hồ đang đứng, Bác mặc bộ quàn áo Kaki, đi đôi dép cao su giản dị, nét mặt tươi cười, ánh mắt hiền từ ấm áp hướng ra biển, vạt áo Kaki bay nhẹ trong gió, tay trái thả lỏng khép tự nhiên dọc thân, tay phải giơ ngang mặt vẫy chào như đang vẫy chào những chuyến tàu vào ra bến cảng Cô Tô, tấp nập ngược xuôi trên mặt biển bao la của Tổ quốc, như che chở cho đất và con người nơi đây. Hình ảnh ấy càng nhắc nhở, khích lệ quyết tâm xây dựng huyện đảo ngày càng giàu mạnh, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Cùng trong năm này, di tích được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia (07/5/1997).

Cho đến thời điểm này, Tượng đài Bác Hồ trên đảo Cô Tô vẫn được đánh giá là bức tượng đẹp nhất vùng Đông Bắc Tổ quốc. Tượng đài Bác “linh hồn của đảo Cô Tô” vừa uy nghiêm vừa thân thương sừng sững hiên ngang giữa mênh mông biển trời Cô Tô. Hình ảnh Bác Hồ “vẫy tay chào biển cả” trở nên vô cùng thân thuộc, khắc sâu vào tâm khảm mỗi người dân đảo Cô Tô như che chở cho những người dân nơi đây, cũng như bầu trời và hải đảo Việt Nam. Xung quanh Tượng Bác là hệ thống các ô vuông được trồng cây xanh lưu niệm của các lãnh đạo Trung ương, tỉnh hài hòa với không gian, cảnh vật.

Phía sau tượng Bác Hồ là Bia ghi dấu sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đảo Cô Tô ngày 09/5/1961. Bia được đặt trên bục tam cấp cấp xây bằng gạch, ốp đá rửa xung quanh, mỗi cấp cao 0,2m. Bia có dáng hình chữ nhật, trán bia cong. Bia làm bằng đá xanh cao 2,25m, rộng 1,55m. Diềm bia trang trí đồ án sen dây, trán bia trang trí văn tản vân, chính giữa khắc nổi hình ngôi sao năm cánh sơn màu vàng bao quanh bởi đường tròn. Hai mặt bia được tạo phẳng. Mặt trước của bia khắc chìm dòng chữ: “Nơi đây, lúc 8 giờ, ngày 9-5-1961, chiếc máy bay trực thăng đưa Bác Hồ đến thăm đảo Cô Tô Hạ cánh, Bác từ máy bay bước xuống, tươi cười vẫy chào cán bộ, bộ đội, nhân dân các dân tộc trên đảo vui mừng đến đón Bác”.